Suy van tĩnh mạch chi dưới là bệnh thường gặp ở người trưởng thành và dự đoán sẽ tăng cao trong tương lai do nhiều yếu tố. Bệnh có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh cũng như hiệu suất làm việc của họ. Trong bài viết dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu cụ thể hơn về bệnh suy van tĩnh mạch chi dưới và các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa bệnh ngay từ bây giờ nhé.
1. Chức năng của van tĩnh mạch chi dưới
Van tĩnh mạch là một trong những bộ phận nằm trong lòng tĩnh mạch. Các van này còn gọi là van một chiều có chức năng giữ cho máu chảy về tim vì hướng vận chuyển máu từ tĩnh mạch chi dưới về tim ngược chiều trọng lực.
Khi các van này khỏe mạnh, máu dễ dàng được đưa từ chân về tim. Và khi cơ thể đang thả lỏng, các van này không mở hết công suất và được nghỉ ngơi. Điều này hoàn toàn bình thường, chỉ khi van bị tổn thương và hư hỏng thì hệ tuần hoàn máu ở chân mới bị rối loạn.
2. Suy van tĩnh mạch chi dưới là gì?
Suy van tĩnh mạch chi dưới là hiện tượng hệ thống van tĩnh mạch ở chân có dấu hiệu hoạt động khác thường. Khi van bị hư hỏng sẽ dẫn đến việc các dòng máu bị trào ngược trong lòng tĩnh mạch do tác động của trọng lực. Dòng trào ngược này khiến máu ứ trệ ở tĩnh mạch tại ngoại vi, lâu ngày không điều trị sẽ dẫn đến suy van tĩnh mạch chi dưới.
Suy van tĩnh mạch chi dưới làm thay đổi hình dạng của tĩnh mạch nông (tĩnh mạch hiển lớn và nhỏ), khiến chúng giãn rộng, tăng kích thước, trương phồng, gập góc, xoắn lại có thể nhìn thấy rõ trên da và sờ được.
Xem thêm thông tin về Chứng giãn tĩnh mạch chân thường gặp ở tuổi trung niên
3. Nguyên nhân mắc suy van tĩnh mạch chi dưới
Nếu làm một bài nghiên cứu kỹ về nguyên nhân gây ra suy van tĩnh mạch chi dưới thì có thể có đến hàng trăm lý do. Trong đó, có một vài yếu tố chính phổ biến nhất khiến bạn mắc bệnh đó là:
3.1. Tuổi tác
Tuổi tác là yếu tố xếp đầu bảng danh sách các nguyên nhân gây ra bệnh tĩnh mạch. Vì ban đầu bệnh này chỉ xuất hiện ở người già do sức khỏe của họ yếu đi và các bộ phận bị suy giảm chức năng, trong đó có van tĩnh mạch. Độ tuổi có tỷ lệ mắc bệnh suy van tĩnh mạch cao nhất là ngoài 50 tuổi. Càng lớn tuổi thì tình trạng tĩnh mạch bị giãn sẽ càng trầm trọng hơn.
3.2. Tính chất nghề nghiệp
Theo nhiều nghiên cứu trước đó, các nghề nghiệp có tính chất công việc bắt buộc bạn phải đứng lâu, ngồi nhiều (nói chung là ở nguyên một chỗ) được xác định là yếu tố gây tăng tỷ lệ mắc suy van tĩnh mạch chi dưới. Vì khi không vận động, máu huyết lưu thông khó khăn, nhất là ở chân nên dễ sinh ra sự tắc nghẽn máu.
3.3. Yếu tố gia đình
Ít người biết rằng suy van tĩnh mạch chi dưới có tính chất di truyền. Trong gia đình nếu có một người mắc bệnh thì các thành viên khác trong gia đình (cùng huyết thống) có khả năng mắc bệnh khá cao. Những đối tượng này có tỷ lệ mắc suy tĩnh mạch gấp 1,5 – 2 lần người bình thường.
3.4. Giới tính
Suy giãn tĩnh mạch xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới với tần suất như sau: khoảng 2-3 bệnh nhân nữ mắc suy van tĩnh mạch chi dưới mới có 1 bệnh nhân nam bị bệnh. Tuy nhiên tỷ lệ này chỉ phù hợp với người bệnh trong giai đoạn đầu, các nghiên cứu đã chứng minh tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ là tương đương nhau đối với suy tĩnh mạch mạn tính. Sự chênh lệch khá lớn này được cho là vì phụ nữ phải trải qua giai đoạn mang thai.
Một điều thú vị là theo như những nghiên cứu lớn tại Đức và Ý cho thấy phụ nữ mắc bệnh suy tĩnh mạch thường bị phù chân hơn nam giới; đồng thời phái nam dễ bị loét chân, chàm da khi bị suy tĩnh mạch hơn.
3.5. Mang thai
Mang thai, nhất là sinh nở nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ suy van tĩnh mạch chi dưới. Vì mẹ bầu có tử cung giãn rộng, đồng thời sự nặng nề của cơ thể lúc này dễ gây chèn ép lên tĩnh mạch chi dưới, nên đây là lý do khiến phụ nữ dễ mắc suy van tĩnh mạch chi dưới hơn nam giới.
3.6. Rối loạn nội tiết tố do thuốc ngừa thai
Phụ nữ dùng thuốc ngừa thai dạng uống sẽ làm hormone bị rối loạn, điều này có quan hệ đến việc mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu, hay còn gọi là hình thành cục máu đông trong các tĩnh mạch sâu ở bắp chân hoặc đùi. Các cục máu đông (huyết khối) xuất hiện như một vật cản ngăn chặn dòng chảy của máu, làm sinh ra hiện tượng tắc nghẽn.
3.7. Táo bón
Một số chuyên gia y tế cho rằng táo bón cũng là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến suy van tĩnh mạch chi dưới. Đặc biệt, táo bón lâu ngày sẽ khiến hệ tiêu hóa làm việc quá tải, để lâu vừa không tốt cho sức khỏe và có thể gây thêm sức ép cho thành mạch.
3.8. Béo phì
Tại Anh, người ta đã thực hiện các nghiên cứu về sự dư thừa cân nặng ảnh hưởng đến suy van tĩnh mạch chi dưới và nhận được kết quả như sau: phụ nữ có chỉ số BMI vượt mức 27 sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh lý này, nhưng ở nam giới thì không. Và nếu chỉ số BMI trên 30 (béo phì) thì tỷ lệ mắc bệnh sẽ tăng cao mà không phân biệt giới tính.
3.9. Hút thuốc
Hút thuốc không chỉ gây ra các bệnh về phổi, tàn phá cơ thể từ bên trong mà chất nicotine độc hại có trong thuốc lá còn làm cứng thành mạch máu, khiến các triệu chứng suy van tĩnh mạch chi dưới ngày càng tồi tệ hơn.
4. Triệu chứng suy van tĩnh mạch chi dưới là gì?
Các triệu chứng của suy van tĩnh mạch chi dưới có khác biệt một chút tùy vào tình trạng sức khỏe và cơ địa của mỗi cá nhân. Dù vậy, bệnh lý này có các triệu chứng đặc trưng bao gồm:
- Tê chân
- Nặng mỏi chân
- Đau chân
- Chân hơi ngứa
- Vọp bẻ (chuột rút) thường xuất hiện khi ngủ
- Phù chân về chiều tối
- Cảm giác nóng rát chân kỳ lạ
Đây là các triệu chứng đầu tiên để bạn nhận biết bệnh. Nếu không sớm phát hiện và chữa trị thì bệnh sẽ phát sinh triệu chứng nghiêm trọng hơn như da chàm, xơ cứng da, viêm loét,… không tự nhiên khỏi được.
5. Các biến chứng của bệnh suy van tĩnh mạch chi dưới
5.1. Chảy máu
Hiện tượng chảy máu xảy ra do tĩnh mạch nông gần sát bề mặt da bị quá tải và giãn vỡ ra. Trong trường hợp này người bệnh cần cầm máu càng nhanh chóng càng tốt bằng cách:
- Ép chặt: Dùng một miếng vải hoặc khăn sạch đặt lên chỗ bị chảy máu và ấn chặt, giữ yên ít nhất 10 phút.
- Nâng cao chân: Nằm xuống sàn nhà, giường hay bất kỳ mặt phẳng nào và nâng cao chân lên. Nếu thấy khó khăn, bạn có thể dùng một vài chiếc gối để chèn dưới chân.
Nếu đã làm mọi cách mà máu không ngừng chảy thì hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để tránh ngất xỉu vì mất máu.
5.2. Huyết khối tĩnh mạch sâu
Bệnh nhân suy van tĩnh mạch chi dưới thì con đường vận chuyển máu từ chân đến tim không thể chính xác như bình thường. Lúc này các van tĩnh mạch suy yếu và hở nên máu trong tĩnh mạch cứ thế đổ dồn xuống chân và ứ đọng tại đó.
Việc hình thành cục máu đông chia thành hai loại là: máu đông tại bề mặt bị giãn tĩnh mạch nông (hay còn gọi là viêm tĩnh mạch) và cục máu đông tồn tại trong tĩnh mạch sâu gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT).
Các cục máu đông trong tĩnh mạch sâu này không chỉ dẫn đến suy van tĩnh mạch chi dưới mà còn có thể di chuyển đến phổi gây thuyên tắc phổi rất nguy hiểm. Đây là rủi ro sức khỏe nghiêm trọng nhất nếu bệnh không điều trị kịp thời.
5.3. Loét
Suy van tĩnh mạch chi dưới chiếm khoảng 70% các nguyên nhân gây ra vết loét ở chân. Các triệu chứng ban đầu thường là phát ban, sưng, đổi màu nâu ở các vùng da có tĩnh mạch bị bệnh, thường xuất hiện ở 1/3 phía dưới cẳng chân, chủ yếu tập trung mặt ở mắt cá chân. Loét khiến người bệnh đau đớn khó chịu và phải điều trị kéo dài, tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
5.4. Xơ cứng da – mỡ
Suy van tĩnh mạch chi dưới được xem là một triệu chứng chính của một loại bệnh có tên Lipodermatosclerosis (LDS). Căn bệnh này thường gây đau đớn cho người bệnh, da của họ sẽ cứng lại, thay đổi sắc tố và sưng tấy.
LDS là một bệnh lý về da và mô liên kết. Bệnh xơ cứng da-mỡ nếu không được điều trị sớm có khả năng cao dẫn đến tĩnh mạch chi dưới bị loét và rất khó chữa lành. Căn bệnh này gây khó khăn nghiêm trọng cho việc đi lại và vận động, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh.
6. Gợi ý cách phòng ngừa suy van giãn tĩnh mạch chi dưới
Suy van tĩnh mạch chi dưới là căn bệnh khó điều trị nếu để lâu dài nhưng vẫn có các cách phòng ngừa đơn giản và an toàn như sau:
- Quản lý cân nặng: không để cơ thể thừa cân dư mỡ, duy trì chỉ số BMI cân đối giúp loại bỏ những áp lực lên tĩnh mạch.
- Tập thể dục: các bài tập thể dục nhẹ nhàng rất phù hợp cho người mắc suy van tĩnh mạch chi dưới. Trong đó, đi bộ là sự lựa chọn hoàn hảo để kích thích lưu thông máu ở chân. Hãy kết hợp đi bộ với mang tất trị liệu suy giãn tĩnh mạch theo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để tăng hiệu quả phòng ngừa bệnh.
- Chọn trang phục, giày dép phù hợp: người bệnh không nên mang quần áo bó sát cơ thể gây chèn ép tĩnh mạch chân, ngoài ra nên đi giày đế thấp (dưới 3cm) hàng ngày thay cho các loại giày cao gót để tránh tăng thêm áp lực cho tĩnh mạch.
- Nâng cao chân: khi ngồi/nằm nên kê cao chân để máu vận chuyển về tim tốt hơn, nhất là buổi tối khi đi ngủ. Chân nên cao hơn tim khoảng 10 – 20 cm, bạn có thể dùng 2 – 3 chiếc gối kê bên dưới đầu gối để nâng cao chân.
- Hạn chế ngồi/đứng một chỗ trong thời gian dài: Thay đổi tư thế linh hoạt, đi lại một vài phút trong lúc làm việc giúp ích rất nhiều cho lưu thông máu.
Xem thêm thông tin về Giải pháp phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh
Kết luận lại, suy van tĩnh mạch chi dưới là bệnh phổ biến trong độ tuổi trưởng thành. Nguyên nhân gốc rễ hình thành bệnh là do van tĩnh mạch bị tổn thương. Nếu bạn có các triệu chứng bệnh như đau và tê bì chân, tĩnh mạch nổi lên khá rõ, thường bị chuột rút,… thì nên đến bệnh viện kiểm tra ngay để không bỏ lỡ giai đoạn điều trị tốt nhất. Bên cạnh đó, hãy lưu ý các biện pháp phòng ngừa để tránh xa căn bệnh này nhé.
Có thể bạn quan tâm Gợi ý 8 cách tự nhiên chữa giãn tĩnh mạch an toàn, hiệu quả